Market Research (Nghiên cứu thị trường) là một lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong việc xác định và đáp ứng nhu cầu của thị trường, bao gồm quá trình phân tích chi tiết và thu thập thông tin liên quan đến nhu cầu, thị yếu và xu hướng tiêu dùng của khách hàng.
Như thế nào là nghiên cứu thị trường? Làm nghiên cứu thị trường là làm những công việc gì? Cùng Mega Digital tìm hiểu trong Series “Chuyện ngành Marketing” số đầu tiên.
Series “Chuyện nghề Marketing” là Series thuộc Mega Digital, chia sẻ về các nhóm nghề nhỏ trong hệ thống ngành Marketing. Series sẽ cùng các bạn tìm hiểu thêm về ngành nghề cũng như hình dung được rõ hơn đầu việc cụ thể của mỗi nghề. Từ đó giúp các bạn định hướng nghề nghiệp nhanh chóng hơn.
Nghiên cứu thị trường là gì?
Nghiên cứu thị trường là quá trình thu thập, phân tích và đánh giá thông tin về thị trường, khách hàng, sản phẩm và dịch vụ. Nó giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về nhu cầu và sự mong đợi của khách hàng về sản phẩm, xu hướng thị trường và đối thủ cạnh tranh. Thêm vào đó, nghiên cứu thị trường giúp các doanh nghiệp đánh giá hiệu quả chiến lược kinh doanh của mình, từ đó đưa ra và điều chỉnh các quyết định một cách đúng hướng hơn.
Nghiên cứu thị trường có thể được tiến hành bởi chính doanh nghiệp hoặc thông qua các Agency chuyên về nghiên cứu thị trường, thông qua các cuộc khảo sát, thử sản phẩm mẫu…được thực hiện trên một số lượng người bất kỳ.
Quá trình nghiên cứu thị trường bao gồm:
- Xác định mục tiêu nghiên cứu: doanh nghiệp cần biết gì?
Ví dụ: Người tiêu dùng hiện đang ưa chuộng mua sắm trên nền tảng nào?
- Xác định đối tượng nghiên cứu: nhóm khách hàng doanh nghiệp muốn nghiên cứu.
Ví dụ: Gen Z hiện đang ưa chuộng mua sắm trên nền tảng nào?
- Thu thập dữ liệu: từ các nguồn khác nhau như khảo sát khách hàng (online, offline, qua điện thoại…), thống kê từ dữ liệu có sẵn, tìm hiểu đối thủ,…
- Phân tích dữ liệu: xử lý, phân loại, tổng hợp và đánh giá các thông tin liên quan.
- Đưa ra đề xuất và giải pháp: có thể bao gồm chiến lược tiếp thị, các cách cải tiến sản phẩm, chiến lược về giá cả, cách tiếp cận khách hàng…Đồng thời đưa ra dự đoán về thị trường trong lương lai gần.
Công việc của chuyên viên nghiên cứu thị trường [1]
Nhiệm vụ của chuyên viên nghiên cứu thị trường xoay quanh các công việc tìm hiểu, nghiên cứu người tiêu dùng, nghiên cứu đối thủ và khai thác các nguồn khách hàng tiềm năng. Cụ thể:
- Phối hợp với các phòng ban liên quan để lên kế hoạch nghiên cứu chi tiết về khách hàng và đối thủ.
- Tiến hành khảo sát thông qua các phương pháp phỏng vấn trực tiếp hoặc làm việc với các đối tác cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường để có thêm dữ liệu nghiên cứu.
- Từ những kết quả nghiên cứu thu thập được, lập báo cáo về định hướng sản phẩm và nhu cầu của khách hàng, đưa ra những nhận định thị trường và đối thủ.
- Đề xuất các chính sách, giải pháp về sản phẩm dịch vụ, chính sách bán hàng nhằm tiếp cận khách hàng, cân bằng lợi ích giữa khách hàng với công ty và phù hợp với tình hình thị trường.
- Theo dõi các xu hướng mới trong lĩnh vực Market Research, các nghiên cứu của Agency chuyên nghiên cứu thị trường và ứng dụng các công nghệ mới nhất để thu thập và phân tích dữ liệu.
Các phương thức nghiên cứu thị trường
- Khảo sát trực tiếp: là phương pháp phổ biến nhất. Các nhà nghiên cứu thực hiện thu thập thông tin bằng cách hỏi ý kiện từ các đối tượng được chọn trong một mẫu đại diện cho nhóm mục tiêu (có thể thực hiện qua điện thoại, online hoặc offline.
- Nhóm thảo luận: đây là phương pháp nghiên cứu thị trường được sử dụng để thu thập thông tin chi tiết và phản hồi trực tiếp từ nhóm khách hàng tiềm năng. Các nhóm thảo luận thường tờ 6-12 người và được điều phối bởi 1 nhà nghiên cứu.
- Phỏng vấn cá nhân: phương pháp này thường được sử dụng khi đối tượng nghiên cứu là những người quan trọng và thông tin thu được là rất quan trọng cho dự án nghiên cứu.
- Giám sát và quan sát: giám sát và ghi lại hành vi của người tiêu dùng trong một môi trường, trường hợp cụ thể. Phương pháp này thường được sử dụng để nghiên cứu hành vi tiêu dùng trong các cửa hàng, trên đường phố…
- Phân tích dữ liệu: sử dụng các phần mềm phân tích dữ liệu để phân tích các nguồn dữ liệu thứ cấp.
- Thử nghiệm sản phẩm: được sử dụng để đánh giá sản phẩm mới hoặc cải tiến sản phẩm hiện có. Các thử nghiệm sản phẩm thường được thực hiện trong một nhóm đại diện cho nhóm khách hàng tiềm năng hoặc tệp khách hàng sẵn có.
- Phân tích SWOT: được sử dụng để đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của một sản phẩm, dịch vụ hoặc doanh nghiệp.
Xem thêm: Tối ưu hóa chiến lược với phân tích SWOT
Các phương pháp nghiên cứu thị trường trên chỉ là một phần trong số rất nhiều phương pháp khác nhau. Lựa chọn của phương pháp nào cũng cần phụ thuộc vào mục đích, phạm vi và ngân sách của dự án nghiên cứu.
Một số kỹ năng cần thiết trong công việc
- Kiến thức về nghiên cứu thị trường: bao gồm kiến thức về các phương pháp nghiên cứu, các công cụ thống kê và phân tích dữ liệu…
- Kỹ năng phân tích dữ liệu: có khả năng xử lý và phân tích các dữ liệu liên quan đến thị trường, từ đó đưa ra kết luận và đề xuất.
- Kỹ năng giao tiếp và thuyết phục: có khả năng giao tiếp rõ ràng, thuyết phục khách hàng về kết quả nghiên cứu và các giải pháp mà bạn đưa ra.
- Tính sáng tạo và khả năng tư duy: Bạn cần phải có khả năng tìm ra các phương pháp và giải pháp mới để giải quyết các thách thức trong nghiên cứu thị trường.
- Kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm.
- Kiên trì và cẩn trọng: để đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy của kết quả.
Học ngành gì để làm chuyên viên nghiên cứu thị trường?
Bạn có thế học các ngành, chuyên ngành liên quan tới Marketing, thống kê, tâm lý học, khoa học dữ liệu và quản trị kinh doanh để có thể theo đuổi vị trí chuyên viên nghiên cứu thị trường. Ngoài ra, với những ứng viên học trái ngành nhưng muốn thử sức với công việc nghiên cứu thị trường vẫn có thể theo học các khóa kiến thức, nghiệp vụ ngắn hạn về marketing, nghiên cứu thị trường được thực hiện bởi những cá nhân hoặc tổ chức có uy tín.
Kết luận
Nghiên cứu thị trường được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhau như thương mại, dịch vụ, sản xuất và chính phủ. Nó cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình đưa ra các quyết định về đầu tư và phát triển kinh doanh, đưa ra các quyết định về sản phẩm, giá cả, chính sách quảng cáo và phân phối. Nó giúp các doanh nghiệp đánh giá được sức cạnh tranh và nhu cầu của khách hàng, đưa ra các chiến lược phù hợp để phát triển và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Xem thêm: Một số hiệu ứng marketing cực kì hiệu quả mình hay áp dụng.
Source: [1] career.gpo.vn